Bình đẳng – Equality
Trước tiên chúng ta hãy nhìn vào khái niệm này.
– Theo định nghĩa của từ điển Cambridge: Equality – The right of different groups of people to have a similar social position and receive the same treatment (Tạm dịch: Là quyền của những nhóm người khác nhau trong việc có một vị trí xã hội tương đồng và cùng nhận được một cách đối xử).
– Theo định nghĩa của từ điển tiếng Việt thuộc Wikipedia: Bình đẳng (adj) – Ngang hàng nhau về địa vị và quyền lợi.
Với hai định nghĩa trên, có thể thấy khái niệm về Bình đẳng nằm ngoài phạm vi của Trách nhiệm (Responsibility) và Nghĩa vụ (Duty).
Sự bình đẳng giữa nam và nữ
Có thể hiểu, sự bình đẳng được thể hiện qua việc mọi cá nhân bất kể giới tính, học thức, nghề nghiệp, gốc gác, v.v. đều nhận được sự công nhận địa vị xã hội của họ (Vd: Là công dân của một nước, Đều là con người, v.v.) bên cạnh việc cùng hưởng một cơ chế phúc lợi và chăm sóc.
Đối với Trách nhiệm và Nghĩa vụ, hai yếu tố này được quyết định và phân bổ khác nhau tuy theo từng cộng đồng, cá thể, và cá nhân dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau, ví dụ nghĩa vụ của một bác sĩ sẽ khác với một cảnh sát hay giáo viên.
Tuy nhiên, tất cả công dân của một quốc gia đều phải thực hành một hệ thống trách nhiệm và nghĩa vụ chung được quy định bởi luật pháp, và hệ thống này đồng thời cũng khác nhau ở mỗi quốc gia khác nhau.
Thế nhưng, dù có sự khác biệt như thế nào, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi công dân trong một tổ chức chính trị hiếm khi có sự giới tính hóa (trừ một số trường hợp như bắt buộc nghĩa vụ quân sự ở người nam).
Thế thì, ta có thể dễ dàng thấy được sự giới tính hóa trong trách nhiệm và nghĩa vụ của con người thường được thiết lập trong các thực hành và quy ước xã hội.
Ví dụ điển hình là cách bản thân mỗi người tự thực hành và nội hóa vai trò đặc thù của người vợ và người chồng trong một gia đình.
Một cá nhân có thể bị trừng phạt hoặc tưởng thưởng khi thực hiện tốt hay không tốt trách nhiệm và nghĩa vụ của họ trong một hệ thống chính trị và xã hôi.
Ngoại trừ trong một số trường hợp đặc biệt như phạm tội, mỗi cá nhân đều được hưởng những quyền cơ bản của họ, bao gồm được tôn trọng, được có cơ hội học tập, làm việc, và phát triển, được ấm no và hạnh phúc, v.v.
Bình đẳng vì thế nội hàm của nó không bao gồm Trách nhiệm và Nghĩa vụ.
Phái yếu – The weak
Xét theo đặc điểm tâm – sinh lý học
Không thể phủ định giữa cơ thể và tâm lý người nam và nữ đều có những sự khác biệt cơ bản, như mức độ phát triển cơ bắp, bản năng xã hội, v.v. được hình thành, thay đổi, và củng cố qua một bề dày lịch sử tiến hóa và phát triển.
Vì vậy, nếu “phái yếu” được định nghĩa như là những bất lợi về mặt sức mạnh vật lý của người nữ so với người nam, thì khó để phản bác điều này.
Phụ nữ là phái yếu
Tuy nhiên, chính bản thân nó cũng chỉ là sự bất lợi, chứ không phải yếu tố tiên quyết và duy nhất trong việc một con người quyết định và được quyết định cuộc sống của họ.
Một cô gái chân yếu tay mềm sau khi học xong lớp luyện võ vẫn có đủ sự khéo léo, dẻo dai, và cả sức mạnh vật lý để đánh bại một người đàn ông cường tráng.
Không chỉ thế, “sự tỉ mỉ”, “tính cẩn thận”, hay “ý chí kiên cường”,v.v. đều là những phẩm chất và chúng không thuộc về duy nhất một giới tính nào. Một trong những cạm bẫy mà chúng ta thường rơi vào chính là việc tự quy chất luận những phẩm chất mà một con người với giới tính đặc thù nên có.
Ví dụ: Nam phải mạnh mẽ, kiên cường, không yếu đuối; Nữ phải nết na, thùy mị, khéo léo. Nhưng trên thực tế, phẩm chất của một con người không được quyết định bởi giới tính của họ, mà bởi môi trường sống, giáo dục, và quá trình phát triển bản thân của họ.
Lỗi nguỵ biện của tiêu chuẩn kép
Đây là một sự thật khi không ít phụ nữ sử dụng danh nghĩa “phái yếu” để ngụy biện cho sự thiếu trách nhiệm và đời sống buông thả của họ. Mặc dù không thể phủ định sự thiếu trách nhiệm và buông thả đó phần nào xảy ra vì nhiều tác động ngoại cảnh khác.
Điểm này tôi thấy nhiều bạn đã tham gia phân tích và chia sẻ ở comment, nên tôi xin phép không dành quá nhiều câu chữ cho phần này.
Kết luận
Từ những phân tích trên, Việc một người phụ nữ cần sự bình đẳng và một người phụ nữ sống thiếu trách nhiệm và bất tuân thủ nghĩa vụ không thuộc một mối quan hệ nhân quả với nhau.
Sự bình đẳng là điều mà mọi cá nhân đều phải có, và không tồn tại tiêu chí “cần hoàn thành tốt trách nhiệm và nghĩa vụ” cho điều này.
Tương tự, một người sống thiếu trách nhiệm và không hoàn thành tốt nghĩa vụ sẽ có những trừng phạt và tưởng thưởng riêng, song điều đó không ngăn cản họ tách khỏi sự đối xử bình đẳng về quyền và địa vị xã hội với những người khác.
Nguồn: Bài viết của Nam Tran đăng trên Group Facebook ” Chúng tôi biết chúng tôi làm gì “, vào lúc 12:54 ngày 02/01/2023
- [Tổng hợp] Thứ tự 5 phần của seri truyện Hanma Baki cho anh em mê võ thuật
- Tại sao dân văn phòng không muốn tiết lộ mức lương?
- Năm Cam (kỳ 20): Lâm Chín ngón ngạo mạn trêu ngươi ông trùm
- Năm Cam (kỳ 11): Quân bài ‘mỹ nhân kế’ Kim Anh trong cuộc chơi của ‘ông trùm’
- Tại sao không tải được ứng dụng trên CH Play? Cách sửa lỗi nhanh chóng
- Những câu chuyện của sĩ quan đội tìm kiếm cứu nạn (P1)