Tại sao tay và chân khi ngâm nước lâu thì bị nhăn ?

Da là cơ quan lớn nhất trên cơ thể của chúng ta, một người trưởng thành có bộ da nặng khoảng 3,6 kg và khi trải ra có thể phủ được 2 m vuông. Da là lớp chống nước nhưng khi ngâm mình dưới nước lâu, da trên ngón tay và chân lại bị teo lại, nhăn nheo như quả táo tàu. Điều lạ kỳ hơn là chỉ có da tay và chân, cụ thể là bàn tay, ngón tay, bàn chân, ngón chân bị nhăn nheo trong khi da tại các phần khác lại không.

Một cách giải thích phổ biến là hiện tượng thẩm thấu tức chất lỏng như nước đi qua thành và màng tế bào. Nước thấm vào lớp da ngoài, khiến nó phồng lên, từ đó tạo ra nếp nhăn.

Thế nhưng từ thập niên 30 của thế kỷ trước, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng với những người bị tổn thương dây thần kinh ở đầu ngón tay hay ngón chân thì hiện tượng nhăn nheo không xảy ra khi họ ngâm tay chân lâu dưới nước! Điều này có nghĩa là sự hình thành nếp nhăn là một phần của phản ứng không tự nguyện của hệ thần kinh tự chủ – hệ thần kinh đảm nhận việc thở, nhịp tim và mồ hôi. Họ cho rằng nếp nhăn trên tay chân khi ngâm nước là do các mạch máu dưới da co lại – theo một quá trình gọi là co mạch (vasoconstriction) được kích thích bởi hệ thần kinh khi chúng ta ngâm mình.

Năm 2011, nhà sinh học thần kinh tiến hóa Mark Changizi và các đồng nghiệp tại phòng thí nghiệm 2AI Labs ở Boise, bang Idaho cho rằng nếp nhăn trên tay chân là một quá trình chủ động và phải là một chức năng tiến hóa. Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng hình thái nhăn nheo trên tay chân sau khi ngâm nước dường như được tối ưu để mang lại một mạng lưới thoát nước trên da, từ đó tăng khả năng cầm nắm. Thế nhưng lúc đó họ vẫn chưa có bằng chứng chứng minh giả thuyết này.

Phải đến một thí nghiệm gần đây được công bố trên tạp chí Biology Letters, các nhà nghiên cứu đến từ đại học Newcastle, VQ Anh đã cho các tình nguyện viên nhặt những viên bi khô và ướt, có kích cỡ khác nhau. Họ được yêu cầu nhặt bằng tay khô và tay đã nhăn nheo sau khi ngâm trong nước ấm 30 phút. Kết quả là:

  • Đối với những viên bi ướt: tay nhăn nheo nhặt nhanh hơn so với tay khô.
  • Đối với những viên bi khô: tay nhăn nheo và tay khô không cho thấy khác biệt.

Tom Smulders – nhà sinh học tiến hóa, đồng tác giả nghiên cứu trên nói: “Chúng tôi đã chứng minh được các ngón tay nhăn nheo giúp tăng độ bám trong điều kiện ẩm ướt – nó có chức năng như gai lốp, giúp lốp xe bám đường tốt hơn.” Smulders còn cho rằng ngón tay nhăn nheo đã giúp tổ tiên của chúng ta thu thập thức ăn từ thảm thực vật ẩm ướt hoặc suối. Ngoài ra hiệu ứng tương tự ở chân cũng giúp chúng ta đứng vững hơn trên bề mặt ướt hay dưới trời mưa.

Thí nghiệm của Smulders cũng đã góp phần củng cố cho phát hiện của Changizi vào năm 2011 khi cho rằng các nếp nhăn và hình thái nhăn trên tay được tối ưu cho việc cầm nắm vật thể ướt. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa giải thích được tại sao ngón tay hay ngón chân chúng ta lại không nhăn vĩnh viễn dù rằng nó có lợi khi cầm nắm vật thể ướt và cũng không gây bất lợi với vật thể khô. Smulders cho rằng việc nếp nhăn biến mất có thể là cơ chế giúp chúng ta vẫn có được cảm giác tốt trên đầu ngón tay hay chân. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng muốn tìm hiểu điều tương tự trên các loài động vật khác bên cạnh người và khỉ.

Theo: Scientific American

Cre: Bài đăng của bk9sw trên diễn đàn tinhte.vn vào 17/05/2021
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận